Tin tức sự kiện

PHẠM HỮU ĐIỀU – DANH TƯỚNG NHÀ TRẦN

Đền thờ Tây Giang Hầu – Phạm Hữu Điều nằm trong khuôn viên đền thờ Tướng quân Trần Quốc Bảo thuộc Quần thể Di tích Lịch sử – Danh thắng cấp Quốc gia Tràng Kênh, Hải Phòng.

Là một trong 2 phó tướng của Tướng quân Trần Quốc Bảo, trấn giữ một trong những trận địa quan trọng trong trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288. Khu vực Tràng Kênh trước đây có rất nhiều tòa đền miếu nguy nga thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh của ông như: đền Trần Quốc Bảo, miếu ông Lủi – người giao liên dũng cảm, miếu Tây Giang Hầu – Phạm Hữu Điều, miếu Đông Giang Hầu – Vũ Nạp, miếu thờ công chúa Lê và công chúa Nụ, chùa Đông Trúc, chùa Tây Trúc…nhưng vào thế kỷ XV, quân Minh đã cho phá hủy hầu hết các công trình kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng tâm linh.

Quần thể đền thờ Tướng quân Trần Quốc Bảo (cháu nội vua Trần Nhân Tông), Tây Giang Hầu Phạm Hữu Điều và Đông Giang Hầu Vũ Nạp là công trình tưởng niệm về 3 vị tướng của vương triều Trần có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3 của dân tộc ta ở thế kỷ XIII. Di tích nằm ở phía nam chân núi Hoàng Tôn, thôn Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.

          Khuôn viên Khu di tích gồm nhiều công trình như: Bái đường và đền chính thờ Tướng quân Trần Quốc Bảo, miếu thờ Tướng quân Vũ Nạp (Phó tướng của Trần Quốc Bảo), miếu thờ vọng Tướng quân Phạm Hữu Điều, miếu thờ quanThái giám, miếu thờ Sơn thần, nhà thờ Trần triều Quốc mẫu, nhà Khách,…

          Trần Quốc Bảo được triều đình tin tưởng, giao trọng trách trấn thủ vùng biển, đóng quân tại vùng Áng Hồ, Áng Lác thuộc dãy núi đá Tràng Kênh (địa phận thị trấn Minh Đức ngày nay), trợ thủ cho Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư chống giặc.

          Tháng 2/1288, tướng giặc Ô Mã Nhi chờ không thấy lương thuyền của Trương Văn Hổ tới, đã kéo quân đến khu vực An Bang (thuộc Quảng Ninh ngày nay) hòng đón Hổ, dự định trên đường vừa đi vừa cướp bóc lương thực để ăn. Tuy nhiên, chúng đã không thực hiện được âm mưu này vì đã bị quân ta chặn đánh trên suốt đường đi. Khi đó Trần Quốc Bảo và Vũ Nạp – phó tướng của ông đã kéo quân sang Yên Hưng (bên bờ Bạch Đằng thuộc Quảng Ninh) chi viện cho tướng quân Trần Khánh Dư đang giao chiến quyết liệt với Ô Mã Nhi. Trong trận này Trần Quốc Bảo bị thương nặng sau đó qua đời và được an táng tại núi Phượng Hoàng (xã Minh Đức) huyện Thủy Nguyên.

                   Sau đó tướng Vũ Nạp được vua Trần giao thay Trần Quốc Bảo cùng phó tướng Phạm Hữu Điều chỉ huy quân sĩ và nhân dân tiếp tục chiến đấu cho đến khi thắng lợi.

          Căn cứ vào một số văn tự còn được bảo lưu tại đền, có thể xác định ngôi đền có niên đại muộn nhất vào thời Lê Thần Tông (1619-1643). Tuy nhiên, dân gian cho rằng ngôi đền này được xây dựng sau khi Tướng quân Trần Quốc Bảo tạ thế được 100 năm, kinh phí xây dựng do triều đình nhà Trần lệnh cấp.

Trên các bậc cao của sườn núi Hoàng Tôn có 3 ngôi miếu nhỏ, chính giữa là miếu thờ vọng Tướng quân Phạm Hữu Điều –một trong 2 phó tướng của Trần Quốc Bảo (sở dĩ là miếu thờ vọng do vào năm 1993, dòng họ Phạm ở An Hải đã sang xin phần mộ cụ về thờ tại cố hương), bên trái là miếu thờ quan Thái giám, bên phải là miếu thờ Sơn thần. Các công trình nằm phân bố theo sườn núi, nối với nhau bởi những bậc thang khúc khuỷu, cao hẹp tạo thành một hợp thể kiến trúc cổ kính, trầm mặc nằm giữa một vùng thắng cảnh hùng vĩ, tráng lệ nổi tiếng Tràng Kênh.

Mặc dù là 1 trong 3 vị Tướng trấn giữ một trong những trận địa quan trọng nhất, ghi nhiều công lao lớn nhưng do sự tàn phá của quân xâm lược nhà Minh thế kỷ 15 và chiến tranh liên miên nên tư liệu về Phạm Hữu Điều gần như không còn. Để ghi nhớ công ơn, lãnh đạo và nhân dân thành phố đã đặt tên ông cho một con đường dân cư đông đúc nằm tại trung tâm phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng (đường Phạm Hữu Điều thông với trục đường Trần Nguyên Hãn, đối diện bến xe Niệm Nghĩa).

Được sự đồng ý, giúp đỡ của tập thể và cá nhân các Lãnh đạo địa phương cùng Ban quản lý đền, năm 2021 Doanh nhân Vũ Chiến Thắng cùng Võ sư cao cấp Phạm Hữu Thông (Phó chưởng môn Thiếu Lâm Hồng Gia Hà Châu – Hậu duệ của tướng quân Phạm Hữu Điều) đã vận động và tu sửa đền thờ Tây Giang Hầu – Phạm Hữu Điều được đẹp đẽ, khang trang.

DANH SÁCH NHỮNG CÁ NHÂN PHÁT TÂM TU SỬA ĐỀN

  1. Ông Vũ Văn Cảnh: Chủ tịch thị trấn Minh Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
  2. Ông Vũ Văn Chường: Phó Chủ tịch thị trấn Minh Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
  3. Ông Vũ Văn Viễn: An Lư, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
  4. Ông Phạm Văn Thăng: An Lư, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
  5. Ông Phạm Văn Ba: Minh Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
  6. Ông Vũ Chiến Thắng: Doanh nhân Hải Phòng.
  7. Ông Phạm Hữu Thông: Võ sư cao cấp – Phó Chưởng môn Thiếu Lâm Hồng Gia Hà Châu.

Võ Sư cao cấp Phạm Hữu Thông – phó Chưởng môn Thiếu Lâm Hồng Gia Hà Châu (đứng đầu, áo đen). Doanh nhân Vũ Chiến Thắng (thứ 3, áo đen).

Các môn đệ môn phái Thiếu Lâm Hồng Gia Hà Châu làm lễ dâng Kiếm ngày 6/2/2022.

          Quần thể Đền Trần Quốc Bảo, đền Phạm Hữu Điều, đền Vũ Nạp trầm mặc, uy linh nằm bên Bạch Đằng giang lịch sử như một tượng đài sừng sững, biểu trưng cho hào khí Đông A, nhắc nhở các thế hệ mai sau về lịch sử, truyền thống chống giặc ngoại xâm hào hùng, vẻ vang của dân tộc.

Ban truyền thông môn phái

Thiếu Lâm Hồng Gia Hà Châu

Trần Thành

Website: thieulamhonggia.com

Điện thoại: 0908 924 665/0912 232 397

Email: thieulamhonggiahc@gmail.com

Kênh YoutubeThiếu Lâm Hồng Gia Hà Châu

Leave a Reply