Cách nay khoảng sáu, bảy mươi năm, các võ đài Tự do ở Việt Nam thường có thông lệ tổ chức “độ then chốt”và thỉnh thoảng cử võ sĩ “thủ đài”.

Cả hai hình thức Tổ chức độ then chốt và Cử võ sĩ thủ đài đều có mục đích là tạo sự hấp dẫn, thu hút đông đảo khán giả đi xem đấu võ và nâng cao uy tín của võ sĩ có thực tài để động viên phong trào tập luyện và thi đấu Võ Ta mà ngày nay gọi là Võ Cổ truyền Việt Nam.

Độ then chốt là trận đấu giữa hai võ sĩ danh tiếng, thường được xếp vào cuối đêm thi đấu võ đài. Những võ sĩ đánh độ then chốt hầu hết đều có biệt tài, có ngón nghề đặc biệt. Người thì giỏi hốt ngựa, người thì giỏi phá ngựa, người thì giỏi chịu đòn – ăn miếng trả miếng và có người thì giỏi lặn vào nhập nội, đánh đòn mọc (đòn cực mạnh được tổng hợp giữa lực của đòn tay móc lên và lực do thân trườn từ dưới lên đánh vào cằm hoặc bụng đối thủ) làm đối thủ bật ngửa..v.v..Chính vì vậy, dù đêm võ đài kéo dài đến tận khuya nhưng khán giả vẫn kiên trì ở lại chờ xem.

Trên các võ đài miền Trung vào khoảng thời gian từ năm 1935 đến 1945 thường thấy võ sĩ Hồ Cưu có biệt tài “Hốt ngựa”. Dù đối thủ biết ông giỏi hốt ngựa, hết sức cảnh giác khi giao đấu với ông nhưng cuối cùng dù có cảnh giác đến mấy, đối thủ cũng bị ông hốt gọn một chân, vác cả thân người lên vai rồi ném xuống sàn đài.

Với biệt tài ấy, Hồ Cưu gần như lúc nào cũng được xếp đánh ở độ then chốt và dù khuya đến mấy, khán giả cũng chờ xem ông hốt ngựa.

Suốt cuộc đời võ sĩ thi đấu, đoạt các cúp vô địch Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ rồi vô địch Đông Dương, không có ai trừ được đòn hốt ngựa của Hồ Cưu cho đến khi ông bị võ sĩ Bùi Hý (người có quê quán Duy Xuyên, Quảng Nam) dùng thế “Ngạ hổ tầm xà” kẹp chân khóa cánh tay của ông tại độ then chốt của một trận đài mà mãi đến ngày nay nhiều người dân Quảng Nam vẫn còn nhắc đến.

Thủ đài là Ban Tổ chức võ đài chọn một võ sĩ nổi tiếng tài nghệ, thường là ít có đối thủ ngang tài, đứng ra làm trụ cột (được gọi là võ sĩ thủ đài) để đấu võ với bất cứ võ sĩ nào dám thượng tài thi đấu.

Hình thức tổ chức thủ đài lúc bấy giờ là đưa võ sĩ thủ đài lên võ đài, người phát thanh giới thiệu về thành tích của anh ta rồi kêu gọi các võ sĩ ở dưới lên võ đài thi đấu. Về sau, khi có xe cổ động chạy quanh làng, xã thông báo tổ chức võ đài cho dân đi xem thì phần giới thiệu thành tích của võ sĩ thủ đài và kêu gọi đối thủ thượng đài thi đấu được phát ra từ xe cổ động.

Càng về sau nữa thì Ban Tổ chức võ đài “đánh tiếng” hoặc gửi thông tri đến các địa phương, tỉnh, thành thị ở xa từ một, hai tháng trước để thông báo thời gian, địa điểm tổ chức võ đài, họ tên võ sĩ thủ đài và kêu gọi các võ sĩ phương xa đến thượng đài so tài.

Dù kêu gọi đối thủ thượng đài thi đấu với võ sĩ thủ đài được phát thanh trực tiếp trên võ đài hay thông báo trên xe cổ động hoặc đánh tiếng, thông tri đến các địa phương ở xa thì hình thức đó cũng được gọi là “kêu đài” (“kêu” có nghĩa là “gọi”theo tiếng nói của người miền Trung).

Thường thì võ sĩ thủ đài kêu đài trong 3 đêm. Nếu qua 3 đêm mà không có ai thượng đài giao đấu hoặc thượng đài giao đấu mà không thắng được võ sĩ thủ đài thì võ sĩ thủ đài được Ban Tổ chức vinh danh bằng hình thức trao cúp Vô địch.

Như vậy, thực chất của “thủ đài” tại các võ đài Tự do ngày xưa là “thách đấu” nhưng là thách đấu có tổ chức chặc chẽ, có võ đài, có trọng tài, có sự giám sát của các thầy võ sư cao niên, có sự theo dõi, cho phép về pháp lý của chính quyền địa phương và có thể lệ thi đấu được quy ước thống nhất. Chính vì thế, những trận thách đấu chẳng những nhận được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của mọi giới mà võ sĩ thách đấu còn được nhân dân ca ngợi về tài năng và đức độ.

Những trận thách đấu như thế hoàn toàn vì tinh thần thượng võ, đề cao truyền thống võ nghệ của dân tộc, không có mục đích xưng danh, khích tướng, tô vẽ cá nhân mà ngày nay được gọi là đánh bóng tên tuổi.

Những trận thách đấu như thế có tác dụng tăng cường uy tín của Võ giới trong xã hội và không hề để lại những hệ lụy tạo ra dư luận “võ biền” làm người ta hiểu sai lệch về mục đích luyện tập, thi đấu võ thuật vốn được bảo tồn, lưu truyền từ rất lâu đời trong sinh hoạt văn hóa của nhân dân ta.

Leave a Reply